Gia đình ba đời làm trà tại Hồng Thái – Tân Cương

Đăng lên

Gia đình cụ ông Trần Văn Sang (1912 – 1990) và cụ bà Đinh Thị Hương (1914 – 2012) đã lên đất Tân Cương – Thái Nguyên vào đầu những năm 1930, thuộc thế hệ những người đầu tiên dưới xuôi lên đây lập làng Tân Cương và trồng chè.

Những ngày đầu tiên ở nơi đây rất khó khăn, cụ bà đã phải quay về quê cũ ở Nam Định mất hai năm để gom góp lương thực, quần áo,… để tiếp tục lập nghiệp ở vùng đất mới.

Kiên trì bám đất, bám làng. Ban đầu, hai cụ chỉ làm công cho ông Đội Năm, say mê với việc chăm sóc cây chè, ham học hỏi kỹ thuật chế biến nên đã gom góp được vườn chè nhỏ riêng của mình. Vườn chè tại xóm Hồng Thái ban đầu chỉ có khoảng hơn 2 sào trồng chè cổ. Sau năm 1954, cả gia đình đã phát triển trồng chè mới cho khắp vườn đạt diện tích 2 hec-ta.

Sinh được tám người con – bốn trai bốn gái. Một người con trai là liệt sĩ còn lại ba người con trai và người chị gái hiện vẫn theo nghề làm chè tới nay. Thuộc thế hệ thứ hai, cả ba anh em trai và người chị cả trong gia đình cụ Sang – Hương vẫn duy trì và phát triển nghề đến nay đều là những nghệ nhân có bàn tay vàng sao chè tại Tân Cương.

Tiếp nối công việc của cha mẹ, nhận vườn chè 2 hec-ta, anh Trần Văn Thắng – người con trai út đã tiên phong ứng dụng kỹ thuật mới, không ngừng học hỏi để phát triển cây chè ngày càng có chất lượng cao. Sinh năm Dậu, nay hơn 50 tuổi nhưng tay sao trà và lấy hương của anh bây giờ là số một đất Tân Cương.

Kể lại câu chuyện đổi mới phân bón hữu cơ thay thế phân hóa học, gia đình anh cũng phải mất tới hai năm. Anh Thắng nói: “Phân bón Sông Gianh của Quảng Bình thuộc loại phân hữu cơ mùn được giới thiệu về Thái Nguyên năm 2007. Tôi tiên phong dùng thử cho vườn của gia đình. Một năm trời dùng phân hữu cơ mùn, chi phí cao gấp đôi phân hóa học nhưng cây chè không thấy chuyển biến đáng kể năng xuất lại kém. Đến mùa năm sau, số phân hữu cơ mùn còn dư từ năm trước, tôi lấy ra dùng bón riêng cho một góc vườn chè. Thật bất ngờ, qua vụ này cây chè phát triển tốt hơn, đạt năng suất cao. Khi thu hoạch, tôi để riêng và sao chế thấy bất ngờ vì độ dẻo của lá chè rất cao, chè khi sao tỷ lệ gẫy vụn thấp mà hương tăng lên rất nhiều. Tưởng rằng tiêu tốn cho phân hữu cơ mùn nhưng không ngờ chính loại phân này đã góp phần cải tạo đất cho chè đạt năng suất và chất lượng cao. Từ đó tới nay gia đình toàn dùng loại phân mùn hữu cơ này trong vườn chè”.

Vườn chè này cũng là một trong những vườn chè đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Tân Cương từ năm 2011.

Hiện thế hệ thứ 3 của đất Tân Cương, người con trai trưởng của anh Thắng cũng theo cha mẹ học cách làm trà với niềm say mê bất tận. Còn rất trẻ chưa tới tuổi 30, hiện cháu Trần Văn Toàn đã nắm được kỹ thuật lấy hương chè – bí quyết gia truyền để có những mẻ trà tuyệt hảo.

Trích từ cuốn Phác Thảo Danh Trà Việt Nam – Nguyễn Ngọc Tuấn, NXB Tổng hợp TP.HCM, năm 2019

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »